Tháng 7 không chỉ là tháng của ma quỷ mà còn là ngày lễ Vu Lan bày tỏ lòng biết ơn của ông bà cha mẹ đã sinh thành ra chúng ta. Tháng cô hồn là tháng mấy âm lịch? Bắt đầu từ ngày nào kết thúc vào ngày nào? Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 cần có những lẽ vật gì? Mời các bạn đón xem tại đây
Tháng cô hồn là tháng mấy?
Tháng 7 âm lịch hàng năm còn được gọi là “tháng cô hồn” hoặc “mở cửa mả” hoặc tháng của ma quỷ. Đặc biệt là ngày rằm tháng bảy là ngày “xá tội vong nhân” – ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế. Theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày.
Bên cạnh đó, tháng 7 Âm lịch hàng năm còn có ngày lễ Vu lan. Lễ Vu lan hay còn gọi là Lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Theo sự tích Phật giáo, Bồ tát Mục Kiền Liên đã cứu mẹ ra khỏi kiếp quỷ đói. Chính từ truyền thuyết này mà ngày lễ Vu Lan cũng được sinh ra, trở thành ngày để tưởng nhớ công ơn sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ cùng những quà vàng giàu ý nghĩa.
Có nên cúng rằm tháng 7 vào ngày 15 không?
Thông thường, rằm sẽ là ngày 15 Âm lịch hằng tháng và cúng rằm cũng sẽ diễn ra đúng vào ngày này. Tuy nhiên, trên thực tế lễ cúng rằm tháng 7 sẽ không cúng đúng ngày 15 tháng 7 Âm lịch mà sẽ thường diễn ra từ ngày mùng 2 đến ngày 14 và không cần xem ngày xấu hay tốt.
Bởi người xưa quan niệm rằng, từ mùng 2/7 âm lịch hàng năm, Diêm Vương cho mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do đi theo bốn hướng (cô hồn), thường là trở về tìm gặp bạn bè, gia đình mong được giúp đỡ để sớm siêu thoát. Đến sau 12h ngày 14/7 thì các ma quỷ phải quay trở về địa ngục.
Còn ngày 15 tháng 7 sẽ là ngày giới hạn của kỳ “mở cửa” đó nên người âm sẽ rất khó để “trở về” hay không thể nhận được đồ thờ cúng. Chính vì vậy, người dân thường có thói quen cúng rằm tháng 7 trước và thói quen này được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Hướng dẫn chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 đầy đủ
Cúng rằm tháng 7 thường sẽ có 3 lễ khác nhau: cúng Phật, cúng gia tiên trong nhà và cúng cô hồn ngoài trời.
Xem thêm: Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng cô hồn mùng 2, 16 đầy đủ
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 trong nhà ( cúng gia tiên)
Tùy theo các gia đình mà mâm lễ cúng gia tiên có thể là chay hoặc mặn nhưng đa số người dân sẽ làm cỗ mặn. Ngoài ra, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình có thể cúng các món ăn khác nhau để thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên như gà luộc, xôi đỗ xanh, giò lụa, nem, canh miến mọc,….
Bên cạnh đó là hoa quả, tiền vàng, hoa, rượu, nến,..cùng với vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép,…
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 ngoài trời (cúng cô hồn)
Mâm cúng cô hồn hay còn gọi là cúng chúng sinh để bố thí cho linh hồn vất vưởng, lai vãng ở cõi trần không có nơi nương tựa. Thông thường, mâm cỗ cúng đặt ngoài trời, trước cửa mỗi gia đình vào chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 âm lịch khoảng thời gian các vong linh đang trên đường trở về địa ngục do đó là khoảng thời gian tốt nhất để cúng.
Đặc biệt, mâm cúng chúng sinh sẽ không có món mặn (món ăn mặn sẽ khơi dậy lòng tham của những vong hồn) mà chỉ có các món chay, hoa quả, kẹo bánh. Mâm cúng chúng sinh thường bao gồm các lễ vật như sau:
- Muối gạo (1 dĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong).
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ).
- Hoa quả (5 loại 5 màu).
- Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo.
- 12 cục đường thẻ.
- Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng…).
- Tiền trần (là tiền thật, thường là tiền lẻ) và vàng mã.
- 3 chung nước (hay 3 ly nhỏ ), nhang và nến.
Lưu ý:
Khi bày tiền vàng trên mâm, để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương, bày lễ và cúng ngoài trời. Kết thúc lễ cúng cô hồn, gạo và muối được vãi ra sân hay ra đường, sau đó là đốt vàng mã.
Ở một số địa phương (ví dụ như miền Nam), các gia đình còn thường thực hiện tục “giật cô hồn” với quan niệm càng có nhiều người tới giật thì sẽ càng có nhiều lộc.
Lễ cúng Phật
Theo quan niệm của Phật giáo thì rằm tháng 7 là ngày lễ Vu Lan xuất phát từ tích đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ. Đây là dịp để con cháu nhớ tới công ơn của ông bà, cha mẹ. Cho nên, vào rằm tháng 7 những gia đình theo đạo Phật sẽ không thể bỏ qua nghi lễ cúng Phật vào ngày này.
Thông thường, mâm lễ cúng Phật ngày rằm tháng 7 sẽ không cúng mặn mà sẽ cúng các món ăn chay hoặc một mâm ngũ quả đơn giản để cúng Phật. Mâm cỗ bao gồm những món sau đây:
- Xôi cốm hạt sen dừa
- Củ cải cuộn nấm hấp chay
- Nấm đùi gà sốt bơ
- Đậu hũ sốt tứ xuyên
- Bún trộn thập cẩm chay
- Salad rau mầm
- Canh ngũ sắc
- Chè hạt sen long nhãn
- Cải thìa sốt nấm hương.
- Nem chay hoặc nem nấm.
Bạn cần biết khi cúng rằm tháng 7
Mâm cúng Phật phải được đặt ở vị trí cao nhất trên bàn thờ tiếp đến là mâm cúng thần linh và cuối cùng là mâm cúng gia tiên.
Đối với mâm cúng Phật, thần linh và gia tiên thì phải được cúng trong nhà, còn cúng chúng sinh thì cúng ngoài trời, trước cửa nhà hoặc có thể thực hiện ở chùa.
Nếu thực hiện cúng chúng sinh ở nhà thì khi tung gạo, muối (sau khi cúng xong), bạn nên đứng trong nhà và tung từ trong ra ngoài, tuyệt đối không được tung ngược lại bởi theo quan niệm dân gian thì hành động này sẽ rước các vong hồn vất vưởng vào nhà.
Sau khi đọc xong bài viết của chúng tôi bạn có thể biết tháng cô hồn là tháng mấy? Bắt đầu và kết thức vào ngày nào? Đặc biệt, biết rằm tháng 7 sẽ có 3 lễ khác nhau và cách chuẩn bị mâm cỗ cúng cũng khác nhau.